Bến cảng Trần Đề cảng cửa ngõ mở đường cho hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra biển lớn
Vùng ĐBSCL có diện tích khoảng 40,8 ngàn km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước. Tổng dân số đạt 17,3 triệu người, chiếm 18,8% dân số cả nước. Tăng trưởng kinh tế của vùng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đạt 5,8%. GDP năm 2020 đạt 975,4 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào 12% GDP cả nước. Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL năm 2020 khoảng 47 triệu tấn, trong đó:
- Xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 18,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 9,6%/năm, kim ngạch xuất khẩu của Vùng chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Vùng gồm thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, rau quả, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ...; trong đó, thủy sản và gạo là hai mặt hàng thế mạnh của Vùng.
- Nhập khẩu: Năm 2020 khoảng 9,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,8%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Vùng gồm phân bón, chất dẻo, sắt thép, máy móc thiết bị phụ tùng... chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất.
- Toàn vùng hiện có 52 KCN và 28 khu chế xuất với diện tích khoảng 17.300 ha, trong đó có khoảng 9.000ha đã được xây dựng, đạt tỷ lệ lấp đầy 53,5%, hàng hóa luân chuyển theo các phương thức vận tải khoảng 35 triệu tấn. Quy hoạch đến 2030 có 15.000 - 17.000ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy có thể đạt 100%, hàng hóa luân chuyển theo các phương thức vận tải 128 triệu tấn.
- Hiện nay, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng trung tâm cửa ngõ. Do đó, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Các lợi thế hiện có và trong tương lai khi Bến cảng Trần Đề được đầu tư:
- Về vận tải đường bộ: Bến cảng Trần Đề nằm trên hành lang kinh tế Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (CT34) đi qua 04 tỉnh, gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; hành lang kinh tế Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu có tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT35) kết nối cửa khẩu Hà Tiên với Bạc Liêu và Sóc Trăng, hành lang kinh tế thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh – Sóc Trăng có tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh – Sóc Trăng (CT33), ngoài ra còn có các tuyến Quốc lộ kết nối như: Quốc lộ 1, đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quốc lộ 61B, đường Quản lộ Phụng Hiệp,…đã làm tăng khả năng liên kết các vùng kinh tế trong khu vực;
- Về vận tải đường thủy: Kết nối thủ đô Phnôm-pênh và các tỉnh dọc sông Mêkong của Campuchia với tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh với Bến cảng Trần Đề.

Hạ tầng giao thông kết nối Bến cảng Trần Đề với các tỉnh ĐBSCL
Từ những thuận lợi trên có thể thấy Sóc Trăng có vị trí nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trục kinh tế, đô thị quan trọng có kết nối GTVT thuận lợi đến trung tâm Vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong Vùng đã và đang được đầu tư xây dựng. Do đó, Bến cảng Trần Đề sau khi được đầu tư hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí hàng hóa xuất, nhập khẩu, phát triển công nghiệp, tạo đột phá cho kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, kỳ vọng là đột phá để đưa nhanh hàng hóa của 13 tỉnh miền Tây đi các nước.
- Ngoài ra việc xây dựng cảng này còn có ý nghĩa rất quan trọng trong các vấn đề an sinh xã hội, an ninh Quốc phòng, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác phát triển, cụ thể như sau:
+ Về vấn đề an sinh xã hội: Việc đầu tư 01 cảng có quy mô lớn tại ĐBSCL sẽ thúc đẩy việc hình thành các KCN, KKT của Vùng phát triển góp phần thu hút lực lượng lao động địa phương, giảm thiểu lao động trẻ đến Vùng Đông Nam Bộ tìm việc làm có thu thập thấp do phải dàn trải chi phí, bỏ lại người già, trẻ con không được quan tâm chăm sóc chu đáo. Theo thống kê mỗi năm vùng ĐBSCL có khoảng vài triệu người phải dời quê hương đi kiếm sống, trong số đó Tp. Hồ Chí Minh là nơi tiếp nhận khoảng 1/2 số dân, còn lại là đến Bình Dương, Vũng Tàu và Đồng Nai. Lao động trẻ thường trong độ tuổi 18-35 di cư thường làm việc trong những ngành gia công, điện tử… Nhiều người sau 40 tuổi có thể sẽ không còn làm những việc này mà tìm việc khác hoặc trở về nông thôn và trở thành sức ép lớn về kinh tế, chăm sóc y tế cho địa phương, trong khi họ tích lũy rất ít tài sản.
+ Về an ninh Quốc phòng: Ngoài chức năng là cảng hàng hóa, khi xảy ra chiến tranh, cảng còn là một địa điểm đảm nhiệm nhiệm vụ quốc phòng toàn dân: nơi neo đậu, sửa chữa tàu quân sự; toàn bộ cơ sở vật chất, cán bộ công nhân viên có thể tham gia vào công tác phòng thủ khu vực khi cần thiết; hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm…
Ngoài ra, việc đầu tư cảng đầu mối tại khu vực cũng sẽ tác động rất lớn đến việc nâng cao năng lực khai thác cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đang là sân bay lớn nhất của Vùng ĐBSCL, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện hữu. Năng lực theo thiết kế tiếp đón 3 - 5 triệu khách/năm, cùng lượng hàng hóa khoảng 5.000 tấn/năm, trong khi hiện nay sân bay Cần Thơ chỉ đón khoảng 1 triệu khách.