Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2024: Việt Nam tiến mạnh trong xếp hạng chuyển đổi số quốc tế
Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện một số doanh nghiệp, trường đại học, tổ công nghệ số cộng đồng của các địa phương.
Về phía Bộ TT&TT có Thứ trưởng Phạm Đức Long, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT.
Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng chỉ ra một số xu thế nổi lên có ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi nền kinh tế như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối giữa các nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, kết nối giao thông, kết nối số; phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đã đi đúng hướng khi chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng và chuyển đổi xanh, mang lại lợi ích rõ rệt cho đất nước và người dân. Thủ tướng cho biết, Quyết định của Chính phủ lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao nhận thức và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Năm 2024, chủ đề của chuyển đổi số quốc gia là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số. Thủ tướng khẳng định ba đột phá trong chuyển đổi số là thể chế số, hạ tầng số và con người số, đồng thời yêu cầu sự vào cuộc tích cực của người đứng đầu các cấp, các ngành để thực hiện mục tiêu này.
Tổ công nghệ số cộng đồng góp phần phổ cập công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng xem Video clip với tựa đề "Dấu ấn tổ công nghệ số cộng đồng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia". Tổ Công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) lấy ý tưởng từ Tổ Covid cộng đồng, từ đó hình thành mạng lưới rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số chung của quốc gia; là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hiện nay có khoảng 95 nghìn Tổ CNSCĐ với 450 nghìn thành viên. Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, đặc trưng của Việt Nam. Clip giới thiệu dấu ấn, vai trò, tính hiệu quả các Tổ CNSCĐ ở các vùng miền trên toàn quốc trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số quốc gia của mỗi người dân.
Cũng tại sự kiện, các thành viên tiêu biểu của Tổ Công nghệ số cộng đồng từ 63 tỉnh thành trên cả nước đã chia sẻ những câu chuyện điển hình về việc áp dụng công nghệ số vào đời sống, vào công việc. Anh Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã hướng dẫn bà con địa phương áp dụng hiệu quả công nghệ số để phát triển du lịch thông minh. Các hộ kinh doanh homestay đã áp dụng nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá và quản lý dịch vụ, thu hút hơn 53.000 du khách. Anh cũng phối hợp với công an xã triển khai ứng dụng định danh điện tử VNeID cho các hộ dân, góp phần thay thế giấy tờ truyền thống.
Cựu chiến binh Vũ Đình Kịp, tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ về thành tựu của Tổ trong việc thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng công nghệ của người dân. Nhờ sự hướng dẫn tận tình, nhiều hộ dân đã bắt đầu sử dụng các dịch vụ số như thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch trên sàn thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
Chị Trần Thị Thu Giàu, tổ trưởng Tổ CNSCĐ phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giới thiệu mô hình "Tuyến đường chuyển đổi số" và các hoạt động hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận công nghệ số, như sử dụng ứng dụng VNeID và dịch vụ công trực tuyến.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp trả lời các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cả nước
Điểm nhấn trong Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay là phần tọa đàm, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi từ các thành viên của Tổ CNSCĐ trên cả nước về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đơn giản hóa các thủ tục, thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải pháp chống hành vi lừa đảo trực tuyến; chính sách đặc thù gì cho những đối tượng yếu thế, giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số.
Trả lời câu hỏi về sứ mệnh của Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, nâng đỡ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, hoạch định chiến lược chuyển đổi số quốc gia với yêu cầu đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó "tiến cùng và vượt lên về tư duy phải đi đầu".
Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để vận hành xã hội số, quan tâm đầu tư hạ tầng số như điện, sóng và dữ liệu, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về câu hỏi liên quan chính sách đặc thù với người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi khó tiếp cận, khó sử dụng công nghệ và các dịch vụ công trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng chuyển đổi số có ưu thế xóa nhòa các khoảng cách, như khoảng cách về cơ hội tiếp cận dịch vụ công của dân ở vùng sâu, vùng xa với người dân ở các thành phố.
Với các đối tượng yếu thế, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau trong, cả đời sống thực và đời sống số.
Phó Thủ tướng chỉ ra một số giải pháp, trước hết là cần đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số, càng nhiều thì càng tốt, đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, cần đầu tư hạ tầng điện, sóng, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Như có những nơi, chúng ta đầu tư kéo điện chỉ cho mười nóc nhà, hiệu quả kinh tế không cao nhưng đây là việc phải làm vì chính sách xã hội.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới, gây khó khăn cho việc triển khai công nghệ số cũng như giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để thực hiện chuyển đổi số toàn dân, cần đảm bảo ba yếu tố: mỗi người dân phải có điện thoại thông minh (ĐTTM), mỗi hộ gia đình phải được kết nối cáp quang và sóng di động phải phủ đến 100% dân số.
Từ ngày 15/10, các nhà mạng sẽ chính thức tắt sóng 2G và hiện đang triển khai chương trình hỗ trợ mua ĐTTM với mức giá giảm 50% để hỗ trợ người dân. Sau ngày 15/10, phần lớn điện thoại di động ở Việt Nam sẽ là ĐTTM. Hiện nay, 85% hộ gia đình đã được kết nối cáp quang, so với mức trung bình 51,5% của thế giới là 70% tại châu Âu. Bộ TT&TT đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phủ cáp quang Internet đến tất cả các hộ dân.
Về sóng di động, Việt Nam đã phủ sóng 4G đến 99,8% dân số, tương đương với các nước phát triển là 99,4%. Trong hai năm qua, Bộ đã phối hợp với các nhà mạng phủ sóng cho 2.500 thôn bản lõm sóng, và hiện vẫn còn hơn 700 thôn chưa có sóng. Trong năm nay và đầu năm sau, Bộ sẽ tiếp tục phủ sóng cho khoảng 600 thôn. Đối với khoảng 130 thôn chưa có điện, Bộ đã gửi văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương giải quyết. Ngoài ra, Bộ cũng đang hợp tác với các nhà mạng để sử dụng vệ tinh viễn thông tầm thấp nhằm phủ sóng cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biển và những khu vực không thể phủ sóng bằng di động mặt đất.
Trả lời câu hỏi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ứng dụng AI trên thế giới hiện nay rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là trợ lý ảo (TLA). TLA đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT. Đây cũng là hướng phát triển mà Bộ TT&TT đang triển khai. Bộ đang dự thảo nội dung yêu cầu tất cả dịch vụ công các cấp từ trung ương đến địa phương phải có TLA để hướng dẫn người dân sử dụng. Đồng thời, Bộ cũng đang phát triển một nền tảng trợ lý ảo cho phép các cổng dịch vụ công sử dụng chung. Ngoài ra, Bộ cũng đang chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam phát triển các TLA hỗ trợ cán bộ, công chức trong quá trình làm việc hàng ngày, hỗ trợ tư pháp cho người dân cũng như phát triển các trợ lý ảo chuyên ngành.
Việt Nam tiến mạnh trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là lựa chọn chiến lược của Việt Nam, giúp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Cụ thể, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 15 bậc, đứng thứ 71/193 quốc gia, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, xếp thứ 44/133, và Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc, đứng thứ 17/194 quốc gia.
Về công nghiệp công nghệ thông tin, đã có bước phát triển, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, có hơn 51.000 doanh nghiệp công nghệ số, tạo ra 1,5 triệu việc làm. Doanh thu từ ngành công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD của Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor…
Thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển nhanh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 23%; dự kiến năm 2024 đạt 27,7-28 tỷ USD,tăng 36%-cao nhất 10 năm qua).
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đưa 5G vào thương mại tại các thành phố lớn. Cùng với đó, nâng cấp và phát triển hạ tầng Internet vạn vật để tăng cường khả năng kết nối, thu thập, chia sẻ dữ liệu tự động, thông minh, phục vụ cho phát triển các ngành, lĩnh vực, đô thị thông minh.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế số là: Nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực.
Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua và những hoạt động nổi bật tại sự kiện "Chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024", Thủ tướng tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước./.