21/10/2019
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019: Sôi nổi và mang đậm dấu ấn về con người, quê hương Sóc Trăng
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019 sẽ diễn ra trong 07 ngày (từ ngày 5 đến ngày 11/11/2019), gồm có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc và sôi nổi, mang đậm dấu ấn về con người và quê hương Sóc Trăng. Để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức lễ hội xung quanh các hoạt động này.
Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã có sự chuẩn bị cho Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 như thế nào? Nguồn kinh phí để phục vụ cho lễ hội?
Đồng chí Ngô Hùng: Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc đua ghe Ngo cấp khu vực ĐBSCL theo định kỳ 2 năm/lần. Năm 2019 là lần thứ 4 tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ hội này. Xác định tính chất của lễ hội nên ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo cho các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương, tích cực chuẩn bị về mọi mặt công tác để việc tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 được diễn ra một cách chu đáo và thành công nhất.
Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 về cơ bản đã được thực hiện một cách chu đáo về tất cả mọi mặt. Cụ thể, đã phát hành các kế hoạch tổ chức Giải đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như là việc vận động các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại - du lịch… Để tổ chức cho Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, sau khi có quyết định thành lập Ban Tổ chức, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương thành lập các tiểu ban vận động xã hội hóa các nguồn lực từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức lễ hội nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định. Đến thời điểm này, toàn bộ nguồn kinh phí để tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 đều được đảm bảo từ nguồn vận động tài trợ.
Đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019
Phóng viên: Thông qua Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, tỉnh Sóc Trăng mong muốn như thế nào về việc quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương?
Đồng chí Ngô Hùng: Việc tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo luôn được tỉnh Sóc Trăng duy trì hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer khu vực đồng ĐBSCL nói chung. Đồng thời, thông qua lễ hội, tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh về vùng đất và con người Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là việc thu hút ngày càng nhiều hơn nữa du khách, nhà đầu tư đến với tỉnh Sóc Trăng. Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 sẽ diễn ra trong thời gian 7 ngày (từ ngày 5 đến ngày 11/11) với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, mang đậm dấu ấn về con người và quê hương Sóc Trăng. Điểm nhấn của lễ hội chính là giải đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL năm 2019, với 2 nội dung thi đấu: 1.000m đối với nữ và 1.200m đối với nam, diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/11. Đến nay, đã có 40 đội nam và 07 đội nữ đăng ký tham gia; trong đó, ngoài tỉnh có 09 đội (với 6 đội nam và 3 đội nữ) gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang.
Phóng viên: Để góp phần cho hình ảnh của lễ hội được biết đến rộng rãi cả trong và ngoài nước thì các cơ quan báo chí cũng có đóng góp rất lớn trong công tác thông tin, tuyên truyền. Vậy trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, địa phương sẽ tạo điều kiện như thế nào cho các cơ quan báo chí tác nghiệp trong suốt thời gian diễn ra lễ hội?
Đồng chí Ngô Hùng: Như chúng ta đã biết, công tác truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ lễ hội và sự kiện nào. Do đó, Ban Tổ chức đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan báo chí đưa tin và tác nghiệp tại lễ hội.
Phóng viên: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 có quy mô lớn và mang tầm quốc gia, hứa hẹn sẽ thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước đến tham gia lễ hội. Về phía địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho du khách đến tham dự lễ hội?
Đồng chí Ngô Hùng: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 là một trong những lễ hội đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Vì thế, Ban Tổ chức lễ hội luôn hoan nghênh, chào đón tất cả du khách đến tham dự lễ hội. Để phục vụ cho du khách đến tham gia lễ hội một cách chu đáo nhất, Ban Tổ chức lễ hội cũng đã chuẩn bị và phân công Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị những phương án tốt nhất cho du khách về điều kiện ăn ở, đi lại, tham quan khi đến Sóc Trăng tham gia lễ hội. Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước được dự khán giải đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL năm 2019 tại khu vực khán đài B (đối diện với khán đài chính) tại khu vực bờ kè sông Maspero. Ngoài ra, các hoạt động khác trong khuôn khổ của lễ hội đều được tổ chức tại các địa điểm công cộng như: Công viên 30/4, Quảng trường Bạch Đằng, Khu Văn hóa Hồ Nước Ngọt, sông Maspero… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân và du khách trong và ngoài nước được tham gia lễ hội.
Phóng viên: Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người dân và du khách tham gia lễ hội được tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị như thế nào trong suốt quá trình diễn ra lễ hội?
Đồng chí Ngô Hùng: Ban Tổ chức lễ hội đã giao Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND thành phố Sóc Trăng xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Cụ thể, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời xử lý với tình huống đột xuất bất ngờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tình hình trước, trong và sau lễ hội. Chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan, phân công lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự và điều hòa giao thông cho các hoạt động chính của lễ hội; đảm bảo tốt nhất để người dân, du khách đến tham quan, vui chơi và đón Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 trong không khí vui tươi, an toàn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!