Đồng bào Khmer chuẩn bị bước vào Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019
      Sóc Trăng là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, có tổng diện tích tự nhiên trên 3.200km2. Mảnh đất có nhiều tiềm năng về kinh tế - văn hóa - du lịch, với ba dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa cùng cộng cư từ rất lâu đời. Hiện dân số toàn tỉnh gần 1,4 triệu người, trong đó đồng bào Khmer có gần 400 ngàn người (chiếm tỷ lệ gần 31%) tổng dân số của tỉnh, có 92 ngôi chùa Khmer khang trang, lộng lẫy ở khắp xóm, ấp. Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

      Cũng như các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Khmer ở Sóc Trăng từ lâu đã có nhiều phong tục tập quán và lễ hội dân gian truyền thống. Đó là những nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng tiêu biểu rất phong phú và đa dạng. Vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch Khmer hàng năm, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng nô nức tiến hành một ngày hội lớn của dân tộc. Đó là ngày hội đua ghe Ngo truyền thống. Từ ngày 14/10 âm lịch, từ khắp mọi nẻo đường xóm, ấp, tiếng rủ nhau í ới tâu khleang mơl kê pro năng tuk (Đi Sóc Trăng xem hội đua ghe) vang khắp nơi, cả già, trẻ, gái, trai mọi người gói ghém hành trang chuẩn bị đi xem ghe Ngo, phương tiện đưa đón từ xe honda, xe khách, xe buýt có đủ cả. Dưới sông thì có đò ngang, đò dọc đậu sẵn ở bến chuẩn bị đưa đón các cổ động viên đến “điểm đua” để cổ động cho chiếc ghe của địa phương mình một cách an toàn.

      Ngày hội đua ghe Ngo cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa tượng trưng cho sức mạnh, vừa mang tính dân gian đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống từ lâu được phổ biến rộng rãi trong các xóm, ấp, phum sóc hay khu vực của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngày nay, đồng bào Khmer tổ chức đua ghe Ngo như là một tục lệ. Họ coi ngày đua ghe Ngo là một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, nô nức đi xem để thưởng thức cái đẹp, cái khoẻ mạnh hào hùng, cái tài nghệ tuyệt vời của các tay bơi trên sông nước mênh mông.

      Ghe dành cho cuộc đua là một ghe đặc biệt gọi là ghe Ngo (cong), ghe có hình dáng dài như con thoi, đầu và đuôi cong lên, không mui dài từ 22m – 24m, có khoảng 20 – 24 khoan để cho người ngồi chèo (bơi) từ 45 - 55 người. Người ta dùng thân cây sao nguyên vẹn khoét ruột làm ghe Ngo do dân và nhà chùa cùng làm. Sau khi đóng xong, ghe được chà cho thật trơn, bóng và sơn phết trang trí rất mỹ thuật. Thân ghe thường sơn màu đen, trên be sơn một vệt màu trắng hoặc màu vàng, màu đỏ với độ dày khoảng 5cm và hai bên được chạm trổ hoặc vẽ vảy rồng, rắn theo mô típ Naga. Đầu ghe vẽ các hình con thú như chim cong, sư tử, cọp, voi, khỉ... vừa tượng trưng cho vẻ đẹp, đồng thời thể hiện cho sức mạnh của ghe mình. Vì ghe thân hình thon dài kéo về hai phía đầu và sau lái đều cong, nên nếu bơi động tác phối hợp không ăn ý nhịp nhàng rất dễ mất thăng bằng và bị lật chìm, vì thế mỗi khi đưa ghe xuống nước, người ta tổ chức tập bơi cho nhuần nhuyễn động tác ở trên cạn, sau đó mới đưa xuống nước tập bơi. Người bơi phải thật khoẻ mạnh, có kỹ thuật bơi mới đủ sức vượt lên giành chiến thắng, vì thế người ngồi đầu ghe phải đưa tay ra chỉ huy thật nhịp nhàng, lướt từng nhịp sóng, người đánh cồng, người thổi còi thúc giục động viên và người cầm lái lại càng quan trọng hơn là nhân vật đứng mũi chịu sào, tất cả đều phải phối hợp thật ăn ý. Người ngồi đầu chỉ huy được chọn từ những người có uy tín và thông thạo môn đua ghe.

Các đội ghe thi đấu sôi nổi trong Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2018

      Xưa kia, từng địa phương thường tổ chức đua ghe Ngo tại chỗ để phục vụ bà con nhân ngày Lễ cúng trăng. Dần dần về sau, việc đua ngày càng mở rộng trở thành ngày hội, cuộc đua mang tính chất thể thao, có tính tập trung cao với số lượng ghe càng nhiều.

      Hội đua ghe Ngo thường thu hút người dự đông nhất trong các lễ hội ở Sóc Trăng, có thể lên hàng trăm ngàn người tham gia. Một đặc điểm nữa của Hội đua ghe Ngo là đã được dự đua năm nay thì năm sau các xóm, ấp, phum, sóc phải cố gắng đưa ghe mình đi dự cho bằng được. Nắm được tâm tư của đồng bào và góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương, hàng năm, các cấp ủy đảng và chính quyền đều hỗ trợ kinh phí cho các chùa đóng mới hoặc sửa chữa chiếc ghe Ngo để tham gia thi đấu.

      Việc tổ chức hội đua ghe không những mang đầy tính nhân văn, hào hứng mà còn duy trì được một môn thể thao độc đáo của dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo giao lưu văn hoá giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 sẽ diễn ra các hoạt động: Phục dựng Lễ cúng Trăng, Hội thi Lôi Prô típ (thả đèn nước), phục dựng ghe Cà Hâu, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục Khmer, triển lãm ảnh nghệ thuật… Theo Ban Tổ chức, Hội đua ghe Ngo năm nay đã có 40 đội ghe Ngo nam, và 07 đội ghe Ngo nữ đăng ký tham gia, trong đó có 06 đội ghe Ngo nam và 03 đội ghe Ngo nữ của các tỉnh bạn: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang cùng tham gia thi đấu. Giải đua ghe Ngo sẽ diễn ra trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 10 – 11/11/2019 tại khán đài đường đua ghe Ngo thành phố Sóc Trăng (đoạn sông Máspero).

Sóc Ca

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86012382

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.