Giải bài toán già hóa dân số tại khu vực ASEAN
      Viễn cảnh dân số vàng - yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ những năm 1990 - đang đi đến hồi kết.

      Một số nước đang chịu ảnh hưởng của tình trạng này nhiều hơn những nước khác.


      Trong khi Indonesia và Philippines có thể tiếp tục dựa vào lực lượng lao động tương đối trẻ, thì lực lượng này ở Thái Lan và Việt Nam đang có phần chững lại, còn Malaysia đang chứng kiến sự chuyển đổi sang giai đoạn già hóa.


      Thực tế là nhiều người lao động trong khu vực này không có đủ khả năng tài chính để nghỉ hưu, trong khi tỷ lệ người nghỉ hưu gia tăng sẽ có tác động lớn đến các nền kinh tế của các quốc gia.

Người lao động không sẵn sàng nghỉ hưu


      Một cuộc khảo sát khu vực do FT Confidential Research thực hiện với 5.000 cư dân đô thị từ 18 tuổi trở lên cho thấy, hầu như những người này không có kế hoạch chuẩn bị cho việc nghỉ hưu.


      Một tỷ lệ lớn những người tham gia khảo sát trong 5 nền kinh tế đang phát triển tại ASEAN cho biết họ không tự tin hoặc không chắc có thể sống thoải mái sau khi nghỉ hưu hay không.


      Hầu hết những người dân thành thị ở độ tuổi 18 - 50 cho biết họ sẽ phải tiếp tục làm việc vượt quá độ tuổi nghỉ hưu. Mặc dù sống trong nền kinh tế thịnh vượng nhất trong nhóm nước ASEAN-5, vẫn có 65,1% người Malaysia được khảo sát nói rằng họ sẽ cần tiếp tục làm việc.


      Những lo ngại như vậy đã trở thành hiện thực đối với nhiều người về hưu. Phần lớn những người đã nghỉ hưu vẫn đang phải làm thêm để trang trải cho cuộc sống của mình.


      Không có tiền trợ cấp trong khi không đủ tiền tiết kiệm


      Theo cuộc khảo sát, có đến một nửa số người tham gia trả lời cho biết họ không được tiếp cận với quỹ hưu trí hoặc trợ cấp. Họ cũng tiết lộ mức tiết kiệm thấp của mình.


      Trong số những người Malaysia không có trợ cấp lương hưu hay quỹ hưu bổng, 31,7% chỉ tiết kiệm được 100 Rm (24 USD) hoặc ít hơn. Trong số những người Thái không có hỗ trợ lương hưu, 34,8% chỉ tiết kiệm được 1.000 Bath (31USD) hoặc thấp hơn.


      Dựa trên số liệu của Liên hợp quốc, độ tuổi trung bình ở Đông Nam Á vào năm 2017 được ước tính là 29 tuổi. Nhưng điều này là nhờ khoảng một nửa dân số Indonesia (tức 261 triệu dân) có độ tuổi dưới 29, và độ tuổi trung bình của người Philippines chỉ là 24,5.


      Tỷ lệ nhóm người sống phụ thuộc (số người từ 65 tuổi trở lên so với nhóm người trong độ tuổi lao động) ở cả hai nước này đang gia tăng, đặc biệt là ở Việt Nam và Thái Lan.


      Ở những nước khác trong ASEAN, lợi ích từ cấu trúc nhân khẩu học đang giảm dần khi dân số già đi. Già hóa dân số là bài toán đau đầu đối với Thái Lan hiện nay bởi độ tuổi trung bình của nước này (38 tuổi) đang ở mức cao thứ hai trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.


      Lại vấn đề 'chưa giàu đã già'


      Tiềm năng tăng trưởng của Thái Lan có thể bị hạn chế bởi vấn đề nhân khẩu học. Khác với Singapore, Thái Lan có nguy cơ 'chưa giàu đã già'. Liên Hợp Quốc coi một nước có tỷ lệ dân số già hóa là khi có từ 7-14% dân số từ 60 tuổi trở lên.


      Hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất 15 năm.


      Thách thức đối với các nước này là lực lượng lao động giảm trong khi nhóm người phụ thuộc tăng sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu lao động không có đủ điều kiện tài chính để nghỉ hưu một cách thoải mái khi tuổi thọ tăng, họ sẽ trở thành gánh nặng cho một lực lượng lao động đang sụt giảm.


      Theo Ngân hàng Thế giới, tuổi thọ ở Malaysia đã tăng từ 60 trong năm 1960 lên 78 năm vào năm 2015. Đối với Thái Lan con số này đã tăng từ 57 đến 79 năm trong cùng thời kỳ, trong khi ở Việt Nam, con số tăng từ 63 lên 81 năm.


      Các nhà hoạch định chính sách của các nước đang đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng sụt giảm lao động. Malaysia đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 vào năm 2012 và đang tiếp tục đề xuất tăng lên 65.

Nước này cũng đang cố gắng nâng cao tỷ lệ sinh bằng cách đưa ra nhiều chương trình đãi ngộ cho trẻ em trong năm nay, tương đồng với chính sách Singapore đã thông qua vào 16 năm trước.


      Vào tháng 9, Thái Lan đã thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 lần đầu tiên, cung cấp cho người lao động đầy đủ lương hưu theo luật định. Ở Việt Nam, chính phủ đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 cho nam giới và từ 55 lên 60 đối với nữ giới.


      Báo cáo cho rằng ASEAN sẽ cần phải thực hiện các chính sách quyết liệt hơn nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong tương lai. Những hoạt động này có thể bao gồm việc sử dụng lao động nước ngoài hoặc ứng dụng công nghệ tự động hóa nhiều hơn.

 (Nguồn http://asean.mofa.gov.vn/)


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86012742

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.