06/08/2024
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 958/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2024 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm Chủ tịch Hội đồng. Tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia nhiệm vụ Ủy viên Hội đồng (đối với nội dung vùng đất, vùng nước Cảng biển Sóc Trăng).
Đây là nhiệm vụ nhằm chủ động cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021) và điều chỉnh (tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024). Việc thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển cả nước là một trong những cơ sở để triển khai Cảng cửa ngõ của Vùng ĐBSCL.
Theo tinh thần cuộc họp Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 26/6/2024 tại thành phố Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn số 2020/UBND-TH ngày 03/7/2024 gửi Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Cửu Long nêu ý kiến thống nhất đưa nhiệm vụ về thực hiện các thủ tục triển khai Cảng cửa ngõ Vùng ĐBSCL vào Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng Vùng. Đồng thời kiến nghị Hội đồng điều phối Vùng thống nhất báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho chủ trương nghiên cứu về cơ chế, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển, logistics của Vùng ĐBSCL (trong đó có Cảng cửa ngõ của Vùng).
Minh họa Dự án đầu tư Bến cảng Trần Đề (đảm nhận vai trò Cảng cửa ngõ Vùng ĐBSCL)
Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Vùng ĐBSCL đã định hướng đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông của Vùng. Cụ thể là cần hoàn thành hệ thống: Đường bộ cao tốc kết nối ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, và hệ thống cảng biển, các cửa khẩu quốc tế gồm: Các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông; Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây; Cao tốc TPHCM – Sóc Trăng; Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh. Nâng cấp hệ thống các quốc lộ. Đầu tư hệ thống đường ven biển (qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó có Cảng cửa ngõ của Vùng.
Thực hiện chủ trương trên, hiện nay, Vùng ĐBSCL đang được đầu tư các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm. Đặc biệt là các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, cầu Đại Ngãi, đường ven biển,... Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường thủy, nhất là bến cảng đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của Vùng tiến độ triển khai còn rất chậm. Điều này khiến cho việc khai thác, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ trọng điểm của Vùng bị hạn chế, thiếu đồng bộ. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ và hình thành Cảng cửa ngõ của Vùng sẽ giúp phát huy hiệu quả các tuyến đường thủy và các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm của Vùng. Đồng thời, sự hình thành Cảng cửa ngõ sẽ là động lực lớn để phát triển lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu của Vùng, tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Vùng.