Sơ kết phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2022-2030”
Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng báo cáo sơ kết Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2022-2030”.
Trong những năm qua, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền phát động phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2022-2030, kết quả như sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; Thường xuyên thực hiện rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh; Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (cấp tỉnh); Chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông; Công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa; Thỏa thuận thiết lập báo hiệu đường thủy nội địa đối với công trình xây dựng, hoạt động trên đường thủy nội địa; Cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính được nhanh chóng, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thời gian khi thực hiện, không gây phiền hà, ách tắc cho đơn vị, tổ chức và cá nhân.
- Kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công các công trình giao thông theo kế hoạch đề ra và theo yêu cầu của chủ đầu tư đối với các giai đoạn quan trọng của hạng mục công trình và kiểm tra công tác thi công nghiệm thu hoàn thành công trình. Qua những đợt kiểm tra đã phát hiện những tồn tại, hạn chế và đã yêu cầu các Chủ đầu tư chấn chỉnh, khắc phục những nội dung tồn tại, hạn chế, để đảm bảo chất lượng công trình đúng theo quy định.
- Trong năm 2023, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023. Hoàn thành Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức thành công hội thảo đầu tư Cảng biển Trần Đề và hiện nay đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trình xin chủ trương chấp thuận cho địa phương lập Đề án nghiên cứu tổng thể đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông cửu Long.
- Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng; tuyến đường bộ ven biển thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng, đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây; Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu); Nâng cấp, mở rộng tuyến đường trục phát triển từ thành phố Sóc Trăng đi Trần Đề (Đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Đề), đường tỉnh 939B, các đường huyện: 02,3,4,12,96,97... nhằm tạo sự kết nối đồng bộ lưu thông hàng hóa thuận lợi.
- Các địa phương đầu tư cứng hóa 100%, cụ thể: năm 2021 đã đầu tư 114 công trình đường, với chiều dài 180 km và 30 cầu, dài 707 m; tổng mức đầu tư trên 464,571 tỷ đồng; năm 2022 đầu tư 119 công trình đường, với chiều dài 175.642m và 32 cầu, dài 841m; tổng mức đầu tư trên 481,694 tỷ đồng; năm 2023, đã triển khai đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn cho 137 công trình đường, 37 cây cầu, với tổng kinh phí trên 446 tỷ đồng.
- Việc lập dự toán, điều chỉnh dự toán, phân bổ sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN được thực hiện nghiêm túc đảm bảo chính xác, trung thực, đúng định mức, chế độ, tiêu chuẩn quy định của pháp luật. Sử dụng kinh phí đúng mục đích đối tượng, trong phạm vi dự toán được duyệt, gắn với hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện công khai tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017, Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, được công khai qua hình thức công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở, công khai tài sản Nhà nước được thực hiện tạo điều kiện cho việc giám sát của toàn bộ công chức, viên chức và người lao động.
- Các đơn vị được giao quyền tự chủ, công tác quản lý tài chính và thực hành tiết kiệm đã có chuyển biến rõ rệt, thực hiện tốt việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, dân chủ, làm căn cứ tổ chức quản lý và thực hiện trong việc sử dụng ngân sách và tham gia giám sát của công chức, viên chức, người lao động trong việc chấp hành các định mức chi tiêu tài chính; tăng cường tiết kiệm về sử dụng điện thoại cơ quan, xăng dầu, chi tiêu hội nghị, tiếp khách…, các chế độ chính sách khoán kinh phí, biên chế, tự chủ tài chính được áp dụng đã tạo thuận lợi cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị, từ đó thu nhập của công chức, viên chức, người lao động được nâng cao.
- Kết quả thực hiện năm 2023, các đơn vị trong ngành tiết kiệm được 1.440.320.654 đồng chi phí quản lý hành chính. Tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi giao quyền tự chủ các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước dùng để chi khen thưởng, hỗ trợ phúc lợi tập thể và chi bổ sung thu nhập cho công chức, người lao động, bao gồm: Văn phòng sở và Thanh tra sở.
- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước lĩnh vực đầu tư xây dựng theo hướng tập trung, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công trình, có trọng tâm trọng điểm theo đúng quy định của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ và các văn bản của Bộ Tài chính. Các dự án đầu tư xây dựng được triển khai theo đúng các trình tự, thủ tục quy định. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước trên các mặt, nhất là công tác thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình; thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thực hiện khảo sát, thiết kế công trình; lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình; lựa chọn nhà thầu thi công, tổ chức tư vấn giám sát thi công; thanh toán và quyết toán vốn theo quy định. Kết quả tiết kiệm qua đấu thầu các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách (kinh phí sự nghiệp giao thông và kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ) năm 2023 là: 5.600 triệu đồng (gồm 97 gói thầu).
- Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc được sử dụng hiệu quả đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm. Việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của cơ quan dựa trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Nhận xét, đánh giá: Công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông luôn được Sở Giao thông vận tải phối hợp tốt các Sở, ban, ngành, các địa phương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư nhiều công trình trọng điểm, đồng bộ, gắn với việc thực hành tiết kiệm đảm bảo chất lượng, tạo tiền đề, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, tạo điều kiện để các địa phương đầu tư các công trình giao thông nông thôn kết nối vào hệ thống Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường giao thông nông thôn theo chiến lược đề ra, tạo một mạng lưới giao thông liên hoàn: ấp liền ấp, xã liền xã, phục vụ, hỗ trợ cho giao thông đường thủy./.