Cảnh báo, nâng cao ý thức tự giác

  Trong những năm qua, một giải pháp đã được thực thi là ứng dụng kỹ thuật công nghệ, hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm Luật Giao thông thay vì cách làm thủ công truyền thống. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5-2008, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) phối hợp Tập đoàn Hải Châu Việt Nam triển khai thí điểm giám sát giao thông (GSGT) bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Cầu Giẽ- Ninh Bình. Sau hai năm triển khai, kết quả cho thấy, nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm đáng kể, ý thức lái xe đã được nâng cao.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi khảo sát, Bộ Công an có quyết định đầu tư xây dựng hệ thống GSGT bằng hình ảnh, từ Pháp Vân (Hà Nội) đến hết địa phận tỉnh Ninh Bình, dài 104 km, đầu tư lắp đặt thiết bị kỹ thuật phục vụ GSGT. Trong thời gian ngắn, lượng kinh phí hạn hẹp, các đơn vị, địa phương và nhà thầu cố gắng xây dựng hoàn thiện một hệ thống GSGT lần đầu tiên triển khai trên tuyến quốc lộ. Các thiết bị chủ yếu giám sát năm loại hành vi như đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ quy định; không chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy giao thông, kiểm tra trọng tải xe; nhận dạng biển số xe để phát hiện phương tiện vi phạm khi đi qua trạm thu phí Cầu Giẽ; cảnh báo bằng còi, đèn cho lực lượng CSGT tiến hành dừng phương tiện và xử lý theo quy định.
Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm gồm những thiết bị hiện đại như mạng truyền dẫn không dây băng thông rộng, giao thức kết nối mạng chuẩn IP; hệ thống ca-mê-ra GSGT gồm 12 chiếc, trong đó ca-mê-ra quan sát lắp trên cột thép. Ca-mê-ra này kết nối với các máy tính công nghiệp chuyên dụng, với phần mềm ứng dụng xử lý hình ảnh, có thể tự động phát hiện phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường quy định; các phương tiện dừng, đỗ tại nơi cấm dừng, cấm đỗ; chụp ảnh phương tiện vi phạm. Hình ảnh phương tiện vi phạm được ghi nhận từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc máy đo tốc độ, sau đó truyền về trung tâm chỉ huy CSGT qua hệ thống đường truyền vô tuyến hoặc hữu tuyến. Từ trung tâm chỉ huy, hình ảnh được xử lý và tự động chuyển tới điểm dừng phương tiện có lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh vi phạm, nhận dạng BKS phương tiện vi phạm thông báo cho lực lượng tuần tra kiểm soát (TTKS) biết, hoặc căn cứ hình ảnh phương tiện vi phạm được hiển thị trên màn hình để dừng phương tiện vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật. CSGT sử dụng các dữ liệu ghi nhận được của hệ thống GSGT làm chứng cứ lập biên bản đối tượng vi phạm. Với những trường hợp vi phạm chưa xử lý được ngay, Cục CSGT tiến hành xác minh qua hệ thống dữ liệu đăng ký xe, có văn bản thông báo đến chủ phương tiện vi phạm, kèm theo chứng cứ là hình ảnh phương tiện vi phạm do hệ thống GSGT chụp được.
Nhằm xử lý hiệu quả hành vi vi phạm, Cục CSGT bố trí một tổ công tác tại trạm thu phí Cầu Giẽ cùng CSGT các địa phương tổ chức TTKS lưu động trên tuyến kết hợp kiểm soát tại một điểm. Việc GSGT hiện đại này đã nâng cao hiệu quả xử lý. Từ 1-6-2008 đến 31-5-2010, qua hệ thống giám sát xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 20.664 trường hợp vi phạm TTATGT, ra quyết định xử phạt, nộp kho bạc Nhà nước hơn mười tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 328 trường hợp, tạm giữ 32 xe ô-tô các loại. Trong số 303 trường hợp thông báo đến chủ phương tiện vi phạm, đã có 188 trường hợp đến làm thủ tục xử phạt (chiếm 62%), lỗi chủ yếu là điều khiển xe chạy quá tốc độ và đi không đúng phần đường, làn đường.
Hệ thống giám sát nói trên đi vào vận hành đã tác động mạnh ý thức người tham gia giao thông. Tình hình TTATGT trên đoạn Pháp Vân - Ninh Bình có chuyển biến tích cực, TNGT giảm 43 vụ (23,2%), giảm nhiều người chết và bị thương. Lái xe ô-tô chấp hành tốt hơn quy định về tốc độ, làn đường, phần đường, qua đó góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm. Theo ông Ðinh Công Vinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình: Tuyến quốc lộ 1A chạy qua tỉnh dài hơn 30 km, tiềm ẩn TNGT và ùn tắc do lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, nhiều dự án đang triển khai xây dựng, đông người đi lễ hội tham quan danh lam trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, hai "điểm đen" tại km 256 và Gia Xuân, Gia Viễn (Ninh Bình) trước kia thường xuyên xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm dù có nhiều biển báo cảnh báo, từ khi lắp đặt ca-mê-ra giám sát, lái xe không dám liều phóng bạt mạng như trước, TNGT không xảy ra. Theo Phòng CSGT Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, việc xử lý vi phạm bằng hình ảnh cũng thuận lợi hơn, không còn cảnh đôi co với CSGT do chứng cứ quá rõ, không thể chối cãi, buộc lái xe tâm phục khẩu phục, không đôi co cãi cọ và nhân lực giải quyết tại các điểm đen đã giảm bớt, nhất là trong điều kiện quân số hạn chế hiện nay.
Tuy nhiên, hệ thống mạng truyền dẫn còn nhược điểm, quá trình vận hành thường bị mất kết nối. Số lượng cột gá lắp ca-mê-ra dọc đường còn ít nên có nhiều vùng lõm, khả năng truyền tín hiệu hạn chế. Các ca-mê-ra giám sát khi vận hành thay đổi sang phương thức chụp hình và nhận dạng biển số phương tiện vi phạm, chất lượng hình ảnh chưa đáp ứng yêu cầu. Còn xuất hiện tình trạng hư hỏng thiết bị do xung sét, hệ thống tủ kỹ thuật lắp đặt trên quốc lộ, máy đo tốc độ ghi hình laser, nguồn năng lượng cho hệ thống hoạt động còn trục trặc. Một số CBCS các đơn vị, địa phương kiến thức về viễn thông, tin học và ngoại ngữ hạn chế, nên sử dụng thiết bị còn lúng túng, hiệu quả kém; việc bảo trì, bảo dưỡng chưa được chú trọng, nên duy trì hệ thống hoạt động và khắc phục sự cố kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đường truyền không dây chất lượng hình ảnh thấp, hay trục trặc mất hình do thời tiết, tầm quan sát ca-mê-ra vẫn còn hạn chế, chưa dài, rộng được... Theo ông Phạm Ngọc Hạp, Tổng Giám đốc tập đoàn Hải Châu, hệ thống GSGT giai đoạn hai đang dần khắc phục những tồn tại nói trên.
Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT là công trình mang tính quốc phòng, an ninh của Bộ Công an. Hệ thống này không chỉ phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm TTATGT mà còn phục vụ các yêu cầu khác của ngành công an, Giao thông và xã hội. Tới đây, Bộ Công an tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại để hoàn thiện và duy trì hoạt động hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Ninh Bình, bảo đảm thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Ðồng thời sớm hoàn thành dự án "Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên các quốc lộ trọng điểm" để triển khai, thực hiện... Tập trung xây dựng trung tâm Thông tin chỉ huy CSGT và các trạm CSGT trên quốc lộ để lắp đặt thiết bị, tổ chức xử lý các hành vi vi phạm TTATGT. Ðể nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt hoàn thiện cơ sở pháp lý ứng dụng hệ thống ca-mê-ra GSGT trong thực tế, bổ sung quy trình phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT khi sử dụng hệ thống GSGT, làm cơ sở để xây dựng phần mềm phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm tính pháp quy và thống nhất trên toàn quốc; bổ sung các loại hình truyền dẫn (sử dụng cáp quang kết hợp sử dụng cáp quang với thu phát không dây), nâng cấp yêu cầu kỹ thuật về ca-mê-ra; nghiên cứu sử dụng ca-mê-ra thông minh có khả năng hoạt động 24/24 giờ, phù hợp điều kiện thời tiết ở nước ta. Ðiều quan trọng là, tích cực tuyên truyền để mọi người thấy hệ thống giám sát nói trên chủ yếu cảnh báo, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, mục tiêu xử phạt chỉ là thứ yếu. Nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, trên đoạn đường có lắp đặt triển khai hệ thống, cần lắp đặt biển báo "Ðoạn đường có lắp đặt hệ thống GSGT" để người tham gia giao thông biết và chấp hành.

Theo Nhan Dan


THÔNG BÁO





Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 612
  • Trong tuần: 1 568
  • Tất cả: 620932
Bản quyền thuộc về "Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng"
Địa chỉ: Số 20 Trần Hưng Đạo, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3822385- Fax: 0299 3820 393 - Email: sogtvt@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này.